Với mỗi người, việc chọn một trường đại học/cao đẳng không chỉ là để lấy một cái tên trên bằng tốt nghiệp. Trường Đại học là nơi một sinh viên tiếp xúc với nhiều khía cạnh cuộc sống của bản thân, từ nghiên cứu học thuật đến các hoạt động ngoại khóa và hơn thế nữa. Với tầm quan trọng của lựa chọn này, các sinh viên tương lai nên suy nghĩ cẩn thận về nơi quyết định nộp hồ sơ. Hãy thử làm theo 10 bước sau để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất:
Bước 1: Lập 1 shortlist (danh sách) các lựa chọn
Xem xét kỹ để xây dựng một shortlist các trường mà bạn muốn theo học. Những yếu tố cần cân nhắc khi tạo danh sách này là: vị trí của trường, quy mô tuyển sinh, chuyên ngành và chương trình, giảng viên và cán bộ công nhân viên trong trường, cơ hội tham gia các hoạt động bên ngoài lớp học , điểm các năm cũ, chi phí và tỷ lệ “chọi”… (theo Brennan Barnard và Rick Clark – “A Family Guide to Getting In and Staying Together”). Theo TS. Đặng Thị Minh Hiền – Phó Trưởng Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục, cần cân nhắc cả yếu tố năng lực và phong cách học tập của cá nhân bạn.
Bước 2: Xếp hạng thứ tự ưu tiên
Hãy dành thời gian để lập bảng xếp hạng của riêng mình, cân nhắc những ưu và nhược điểm của một trường cụ thể. Hãy cẩn thận xem xét mong muốn và nhu cầu của bạn, vì đó là nơi bạn sẽ ở trong bốn năm tới (hoặc lâu hơn). Hiện nay nhiều trường ĐH khá “cởi mở” trong xét tuyển đầu vào nhưng lại “chặt chẽ” trong quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo sau khoảng thời gian qui định của chương trình đào tạo (CTĐT), bạn có thể cầm trên tay tấm bằng ĐH và bắt đầu công việc yêu thích, bạn nên quan tâm tìm hiểu về quá trình đào tạo trong nhà trường. Chương trình, nội dung đào tạo có hấp dẫn không? Có quá khó so với năng lực của bạn không? Có phù hợp với phong cách học tập của bạn không (VD như bạn ưa hoạt động và học thông qua trải nghiệm còn CT ĐT lại xd thiên về thuyết giảng/lý luận; hay bạn vốn lười nhác, ngại ghi nhớ theo kiểu thuộc lòng mà CTĐT lại quá nhiều môn học lý thuyết với nhiều bài thi tự luận,….)
Bước 3: Đừng trì hoãn
Các trường có thể có những khung thời hạn nộp hồ sơ, học bạ, đăng ký khác nhau, nhưng thường xoay quanh thời hạn chung của Bộ giáo dục. Các chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu quá trình hoàn thiện hồ sơ vào đầu năm của lớp 12, đồng thời nếu có thể, hãy dành thời gian cho các chuyến thăm trường đại học, tham gia các ngày hội tuyển sinh, làm các bài kiểm tra tiêu chuẩn, thi thử…
Bước 4: Tập trung vào mục đích và đam mê lớn của đời bạn
Hãy tự hỏi bản thân rằng, bạn muốn ở đâu trong 4 năm nữa. Nếu có thể xác định một công việc hợp lý và mức thu nhập hướng tới, hãy xem xét trường đại học nào có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu đó tốt nhất. Ví dụ: Bạn A hứng thú với ngành giáo dục nhưng không chắc muốn trực tiếp dạy học, mà muốn mở 1 trung tâm tiếng Anh sau khi ra trường => bạn hãy cân nhắc về việc học “Quản lý giáo dục”.
Ngoài ra, học phí thay đổi tùy theo trường đại học, hay ngành học, nên cũng cần xem xét với mức chi nào phù hợp với khả năng tài chính của gia đình bạn, mà vẫn mang lại cho bạn mục tiêu thu nhập sau khi ra trường. Một số trường tư có thể có học phí cao hơn nhưng đảm bảo đầu ra hơn, hoặc bạn có thể xin được học bổng.
Bước 5: Nghiên cứu ngành học
Danh tiếng của các trường đại học có thể là một yếu tố quan trọng trong quá trình quyết định, nhưng đừng quên rằng uy tín của ngành học cũng đóng vai trò thiết yếu. Trường A nổi tiếng nhưng có ngành bạn chọn có phải là điểm mạnh của trường đó không? Khoa đào tạo ngành đó có nhiều hoạt động học thuật và nghiên cứu không? Truy cập các trang web của trường đại học và liên hệ với giảng viên để biết thêm thông tin.
Bước 6: Nộp hồ sơ/ đăng ký các trường đã chọn
Bước 7: Tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp
Một trong các lý do bạn học đại học là để tìm kiếm một công việc, vì vậy hãy xem xét cơ hội nghề nghiệp của mỗi trường, đặc biệt các trường có kết nối tốt với 1 số doanh nghiệp/ cơ quan/ tổ chức. Hãy đặt câu hỏi về hội chợ việc làm, cơ hội phỏng vấn trong trường và thậm chí là tỷ lệ cố vấn nghề nghiệp. Nhiều trường có các câu lạc bộ hoặc những buổi doanh nghiệp tuyển dụng tại chỗ, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng mềm, cung cấp dữ liệu về việc làm và tiền lương, thúc đẩy các cơ hội thực tập, thực hiện phỏng vấn giả, giải thích quy trình tuyển dụng và hơn thế nữa.
Bước 8: Xem xét tình hình tài chính và các gói hỗ trợ
Xem xét kỹ học phí và các khoản phí khác, đặc biệt với trường dân lập. Ngoài ra, hãy hiểu sự khác biệt giữa trợ cấp và học bổng – và các khoản cho vay, do một số trường sẽ hỗ trợ “vay” học phí với một số trường hợp đặc biệt.
Sau khi nộp hồ sơ/ đăng ký nguyện vọng, đã đến lúc bạn phải suy nghĩ kỹ về nơi mình thực sự muốn học, và việc thăm các trường đã chọn thêm 1 lần nữa – lúc này, khá cần thiết. Việc đến từng trường và hỏi han sinh viên, giảng viên, các cán bộ trong trường sẽ giúp bạn bước đầu có cảm giác với cuộc sống trong khuôn viên trường đại học. Nếu có thể, hãy liên hệ với các cán bộ tuyển sinh nếu có bất kỳ câu hỏi nào tiếp theo.
Bước 10: Đừng nản lòng nếu bị từ chối.
Việc bạn không được nhận vào một trường đại học có thể rất khó khăn, nhưng hãy cố gắng đừng đắm chìm vào sự từ chối; vì không nên để sự thất vọng cản trở quyết định mà bạn vẫn phải thực hiện – đưa ra 1 lựa chọn mới phù hợp hơn (phương án dự phòng). Một số trường có tính chọn lọc cao, với tỷ lệ chấp nhận chỉ bằng một chữ số; nhưng sẽ có rất nhiều trường có khoa/ ngành học với chất lượng tương tự và điểm tuyển sinh thích hợp với năng lực của bạn hơn.
Như vậy, cách chọn trường đại học phù hợp chỉ xoay quanh những cụm từ này: Cân nhắc các ưu tiên, tập trung vào mục tiêu và tận hưởng cuộc hành trình này. Chúc các bạn đưa ra những lựa chọn tốt nhất, và hẹn gặp ở Khoa Quản lý – Học viện Quản lý giáo dục.