Theo các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động, Học viện Quản lý giáo dục đã ban hành Kế hoạch số 619/KH-HVQLGD ngày 02/11/2023 về việc điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo trình độ đại học năm 2023. Ngày 09/08/2024, Học viện Quản lý giáo dục đã tổ chức Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo điều chỉnh ngành Quản lý giáo dục trình độ đại học năm 2024.
Tham dự Hội đồng có đại diện của Lãnh đạo học viện, các giảng viên giàu kinh nghiệm về phát triển chương trình và đảm bảo chất lượng, đại diện đơn vị sử dụng lao động, nhóm điều chỉnh chương trình đào tạo đại học ngành Quản lý giáo dục.
Ảnh 1. Các thành viên Hội đồng thẩm định chương trình: PGS.TS Trần Hữu Hoan-Chủ tịch Hội đồng, TS Hoàng Thị Kim Huệ – Phản biện, TS Đặng Thị Kim Dung – Phản biện, TS Lê Đại Hùng – Ủy viên, TS Nguyễn Thị Loan – Thư ký
Ảnh 2. TS Lê Thị Ngọc Thúy – Trưởng khoa Quản lý; TS Phạm Ngọc Long – Trưởng BM Khoa học QLGD – Thành viên nhóm điều chỉnh chương trình đào tạo.
Ảnh 3. TS Hoàng Thị Kim Huệ – Trưởng Bộ môn Quản lý nhà trường và cơ sở giáo dục – Thành viên Hội đồng
TS Phạm Ngọc Long – Thành viên Ban điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo ngành Quản lý giáo dục trình bày dự thảo và luận giải những điểm mới của chương trình. Các thành viên Hội đồng thẩm định đã có các bản nhận xét và phiếu thẩm định chương trình.
Ưu điểm của chương trình đào tạo ngành Quản lý giáo dục
Theo TS Hoàng Thị Kim Huệ, TS Đặng Thị Kim Dung – Phản biện, chương trình đã kế thừa được các ưu điểm của chương trình hiện hành, thể hiện rõ ràng triết lý/mục tiêu giáo dục/hệ giá trị của học viện. Chương trình đảm bảo các yêu cầu về pháp lý như Khung trình độ quốc gia; quy định về chuẩn chương trình đào tạo,.. Căn cứ trên kết quả khảo sát thực tế, các học phần tập trung các yêu cầu thị trường lao động như Marketing trong giáo dục, Kỹ năng soạn thảo văn bản, Quan hệ công chúng, Quản lý chất lượng trong giáo dục, Quản lý đào tạo; Quản lý học sinh, sinh viên; Tổ chức sự kiện,… Bên cạnh các học phần có tính hàn lâm, chương trình hướng tới phát triển kỹ năng của của sinh viên gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Chương trình có định hướng rõ nét theo hai hướng: Quản trị trường học và Đo lường, đánh giá trong giáo dục. Các học phần trong chương trình phù hợp với chuẩn đầu ra và định hướng vị trí việc làm. Dự thảo chương trình được trình bày rõ ràng, đầy đủ các minh chứng và sản phẩm theo yêu cầu; nội dung chương trình được cấu trúc hợp lý, các học phần có tính thực tế cao.
TS Lê Đại Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, đánh giá cao sự phù hợp của chương trình đào tạo đại học ngành Quản lý giáo dục với yêu cầu của thị trường lao động. Các mô tả về chuẩn đầu ra, các yêu cầu về năng lực phẩm chất của sinh viên sau khi tốt nghiệp sát với các yêu cầu tuyển dụng của thị trường.
Một số định hướng hoàn thiện chương trình đào tạo ngành Quản lý giáo dục
PGS TS. Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của Ban Điều chỉnh, cập nhật chương trình. Hội đồng đưa ra các lưu ý về chương trình nên định hướng song bằng, liên thông sang chương trình tương đồng để tăng hiệu quả đào tạo nhưng cũng đảm bảo được đặc thù của chuyên ngành. Hội đồng yêu cầu Ban Điều chỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện chương trình sớm nhất./.
– Bộ môn Khoa học Quản lý giáo dục –