Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đánh giá là vai trò trung tâm, quyết định đến chất lượng của nền giáo dục và đào tạo nước nhà.
GS.TS Phạm Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục phát biểu chào mừng năm học mới 2019- 2020. |
Có nhận định chắc chắn rằng, trong sự phát triển của giáo dục nói chung và của mỗi nhà trường nói riêng thì đội ngũ cán bộ quản lý đóng một vai trò quyết định. Nhận thức được điều này, từ 6/1964, Bộ Giáo dục đã thành lập tại các tỉnh, thành phố hệ thống các trường bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Từ dấu mốc đó cho đến khi trở thành Học viện Quản lý Giáo dục như ngày nay là cả một chặng đường dài không ngừng phát triển qua những lần thay đổi:
Năm 1966, để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cho phòng giáo dục huyện, trường phổ thông trung học và tổ chức một số lớp bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý của ngành về một số vấn đề cấp bách trong quản lý giáo dục, Trường Lý luận nghiệp vụ giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục được thành lập.
Đến năm 1976, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Trường Cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở trường lý luận nghiệp vụ của Bộ Giáo dục theo quyết định số 190/TTg ngày 1/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1990, Bộ Giáo dục đào tạo quyết định sát nhập 3 đơn vị: “Trường Cán bộ quản lý giáo dục”,”Trường Cán bộ quản lý đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề”, “Trung tâm nghiên cứu tổ chức quản lý và kinh tế học giáo dục” thành “Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo”.
Ngày 3/4/2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 501/ QĐ-TTg, thành lập Học viện Quản lý Giáo dục.
Trên con trường hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện luôn giữ vững vai trò tiên phong đi đầu trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng nhu cầu đổi mới, phát triển nền giáo dục nước nhà. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Học viện luôn không ngừng hoàn thiện về cả cơ cấu tổ chức và chất lượng dạy học, phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Hoạt động Team-building của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục (NAEM). |
Hiện nay, các hoạt động chuyên môn của Học viện đang được phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu; hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học và công nghệ được phát triển cũng với sự mở rộng các ngành đào tạo, các lính vực nghiên cứu, các chương trình bổi dưỡng, tập huấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu…; các hoạt động hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ngày càng được triển khai phong phú, nhiều hội thảo quốc tế về vấn đề quản lý giáo dục, đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục mới… đã được Học viện tổ chức thành công.
Hiện tại, Học viện đào tạo hệ đại học với quy mô gần 2000 sinh viên, gồm 5 mã ngành: Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Công nghệ thông tin, Kinh tế giáo dục, Giáo dục học; đào tạo sau đại học với quy mô gần 1000 học viên, với 3 mã ngành: Quản lý giáo dục, Tâm lý học lâm sàng, Công nghệ thông tin; gần 100 tiến sĩ mã ngành quản lý giáo dục đã và đang được đào tạo tại Học viện quản lý giáo dục.
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, hàng năm Học viện thực hiện bồi dưỡng cho hàng nghìn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (năm 2018, gần 10 nghìn học viên), với nhiều hoạt động bồi dưỡng, tập trung vào đối tượng cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng nhà giáo, nghiệp vụ tư vấn du học, nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng I, II, III, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm nhiệm vụ tư vấn học sinh…
Với việc xác định giá trị cốt lõi: Trách nhiệm – Chuyên nghiệp – Hợp tác, Học viện cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; Học viện xây dựng các quy trình quản lý và thực hiện các hoạt động, từng thành viên thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện quy trình; Học viện duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế để triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trên đường phát triển, Học viện Quản lý giáo dục sẽ tiếp tục quá trình đổi mới các hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, tiếp tục phát huy vai trò vị thế của Học viện Quản lý giáo dục, tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo./.