Hội thảo khoa học QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Sáng ngày 9/12/2021, Khoa Quản lý – Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị trường học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục; PGS.TS Trần Hữu Hoan, Phó Giám đốc Học viện, và Ban lãnh đạo cùng các giảng viên, cán bộ của Khoa Quản lý; đại diện lãnh đạo của các Khoa, Phòng chức năng của Học viện; và đặc biệt là sự góp mặt của các vị khách mời, các tác giả đã gửi bài viết cho kỷ yếu. Hội thảo diễn ra theo hình thức phối hợp online và offline.

GS. TS. Phạm Quang Trung – Lãnh đạo Học viện phát biểu khai mạc

Hội thảo diễn ra kết hợp trực tuyến – trực tiếp. TS. Đặng Thị Minh Hiền báo cáo Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ của Khoa năm học 2020-2021 và phương hướng năm học 2021-2022

TS. Nguyễn Diệu Cúc (GV Khoa Quản lý) với đề tài “Xây dựng và đánh giá chất lượng trường học bền vững”

ThS. Trần Thị Thơm (GV Khoa Quản lý) trình bày báo cáo “Quản lý hoạt động của bộ môn theo mô hình “Tổ chức biết học hỏi” – một số yếu tố để phát triển bền vững chuyên môn ở các trường đại học trong bối cảnh hiện nay”

PGS. TS. Đặng Quốc Bảo với tham luận “Bác Hồ nói về “Cách lãnh đạo” và suy nghĩ về “lãnh đạo khéo/ Quản lý đúng/ Quản trị giỏi” và việc vận dụng và Nhà trường”

ThS. Đậu Thị Hồng Thắm (GV Khoa Quản lý) cũng gây ấn tượng với chủ đề “Xây dựng trường học hạnh phúc – một giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. ThS. Nguyễn Thanh Thủy (GV Khoa Quản lý) tạo nhiều chú ý với tham luận “Xây dựng cộng đồng học tập chuyên nghiệp trong trường học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phần phát biểu thảo luận của các đại biểu cũng diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đáng giá. PGS. TS. Đặng Quốc Bảo cho rằng, tổ chức biết học hỏi hay là tổ chức học tập, tổ chức này cần phải xuất phát từ tình yêu thương và chia sẻ

TS. Trịnh Văn Cường cho rằng, tất cả hoạt động và các thành viên trong và ngoài nhà trường đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đồng cảm với ý kiến của thầy Bảo, đồng thời đặt ra câu hỏi đáng suy ngẫm: có nên quan niệm trường học chất lượng bền vững là mô hình khác biệt hay không? 

TS. Hạnh cho rằng, cần quan tâm đến vấn đề duy trì chất lượng của nhà trường. Đồng thời, trong xây dựng tổ chức biết học hỏi cần quan tâm đến vấn đề kết nối thế hệ, nếu không sẽ tạo ra khoảng trống và hẫng hụt trong các trường đại học, nếu không có sự kết nối thế hệ thì không đảm bảo được có thế hệ kế cận phù hợp để đưa nhà trường phát triển

PGS. TS. Nguyễn Thành Vinh cho ý kiến về việc nên lựa chọn mô hình nhà trường phù hợp, trong các tiêu chí kiểm định chất lượng đã có thể hiện các mục tiêu phát triển bền vững, và đề xuất cần linh hoạt vận dụng trong thực tiễn các mô hình.

Đại biểu Đặng Thị Thanh Hằng – Phòng GD&ĐT Quận Hoàn Kiếm đưa ra các chia sẻ thực tế của các nhà trường, các mô hình đang được triển khai ở một số trường ở Hà Nội.

Cô Hằng cho biết, với Quận Hoàn Kiếm, diện tích nhỏ, dân số già hóa, diện tích đất hạn chế nên số học sinh trong lớp đều vượt quá. Quận đang có kế hoạch để giảm số học sinh trên lớp. Với việc quyền tự chủ của các nhà trường còn hạn chế, ví dụ việc tuyển dụng giáo viên nhà trường không được tuyển; cơ sở vật chất, nên có sự xã hội hóa, đưa phụ huynh cùng làm với nhà trường tuy nhiên cần có những điều lệ nhất định mới có thể nhận được nguồn xã hội hóa. Cô Hằng nhấn mạnh: “Điều cần thiết với mỗi giáo viên đó là lòng yêu nghề”

TS. Lê Thị Ngọc Thúy hứng thú với chủ đề hội thảo, nhấn mạnh sự ấn tượng về mục tiêu rõ ràng

TS. Trình Thanh Hà đánh giá cao việc chủ đề hội thảo rất có tính thời sự

TS. Thanh Hà nhận định, các báo cáo đã xác định mục tiêu bền vững của nhà trường, khẳng định nhà trường luôn phải gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Việc phát triển nhà trường là tổ chức học hỏi, cần tăng cường làm việc nhóm và giảm đi tính hành chính, đồng thời, việc xây dựng kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học và có sự kết hợp giữa Khoa và Viện nghiên cứu Quản lý giáo dục.

ThS. Trần Anh Trường – Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT nhận xét, thời gian gần đây Học viện đã tiếp cận đến những vấn đề thực tiễn của giáo dục và có sự kết nối với các cơ quan quản lý; khái niệm quản trị được quan tâm và là định hướng đổi mới, các nhà trường đang hướng đến tự chủ và cho thấy vai trò của các nhà quản lý quan trọng; gười Hiệu trưởng cần làm tốt chức năng của các nhà lãnh đạo đứng trước yêu cầu ngày càng cao của giáo dục.

“Cần xác định chỉ số hạnh phúc trong một nhà trường trong điều kiện của Việt Nam” – Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS. Trần Hữu Hoan cho biết

Nhìn chung, hội thảo đã được tổ chức thành công với nhiều phản hồi tích cực.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức phối hợp trực tiếp – trực tuyến

– Khoa Quản lý –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *