Đánh giá năng lực nghề nghiệp giảng viên – hướng tới việc đánh giá không còn “chung chung”, cảm tính.
Sáng ngày 06/10/2021, Bộ môn Quản trị văn phòng (Khoa Quản lý) đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn định kì với nội dung thảo luận, góp ý cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2021 do ThS. Phạm Thuỳ Thu – giảng viên kiêm nhiệm của Bộ môn làm chủ nhiệm đề tài. Tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn có GS.TS. Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện, giảng viên kiêm nhiệm Bộ môn Quản trị văn phòng, TS. Phạm Ngọc Long – Trưởng Bộ môn Khoa học Quản lí giáo dục, các giảng viên Bộ môn Quản trị văn phòng, và nhóm nghiên cứu đề tài.
Lựa chọn một chủ đề nghiên cứu rất thiết thực nhưng cũng đầy thách thức “Đề xuất tiêu chí đánh giá năng lực nghề nghiệp của giảng viên đại học – nghiên cứu trường hợp tại Học viện Quản lý giáo dục”, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá năng lực nghề nghiệp giảng viên bao quát cơ bản các yêu cầu nhiệm vụ của người giảng viên đại học. Dự thảo bộ tiêu chí đánh giá được trình bày chi tiết, nhiều chỉ số định lượng cụ thể, có khả năng ứng dụng cao. Mục tiêu của bộ tiêu chí nhằm thúc đẩy hoạt động đánh giá năng lực nghề nghiệp của giảng viên đại học nói chung và giảng viên tại Học viện Quản lý giáo dục nói riêng trở nên minh bạch, khách quan, phản ánh đúng năng lực và kết quả hoạt động nghề nghiệp của giảng viên.
Tại buổi sinh hoạt chuyên môn, các giảng viên Bộ môn Quản trị văn phòng và Khoa Quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn hữu ích cho nhóm nghiên cứu. GS.TS. Phạm Quang Trung nhấn mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực nghề nghiệp của giảng viên là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị nhân sự và phát triển đội ngũ. TS. Phạm Ngọc Long đề xuất, trong tương lai nhóm nghiên cứu có thể gắn bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, xây dựng hệ thống tự đánh giá, lưu minh chứng đánh giá giảng viên, quản lí và theo dõi kết quả hoạt động của giảng viên. TS. Phạm Xuân Hùng – giảng viên Bộ môn Quản trị văn phòng và cũng là chuyên gia cao cấp về quản trị nhân sự đã đưa ra những gợi ý quan trọng về lập khung ma trận để tránh bỏ sót các năng lực, cách thức xây dựng các tiêu chí và chỉ báo đánh giá…
Đề tài của ThS. Phạm Thuỳ Thu sẽ được tiếp tục hoàn thiện để nghiệm thu trong thời gian tới và sẽ có ý nghĩa thiết thực cho công tác quản trị nhân sự và phát triển đội ngũ giảng viên Học viện Quản lý giáo dục.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi sinh hoạt chuyên môn.
– Bộ môn Quản trị văn phòng – Khoa Quản lý –