Sáng ngày 26.10.2022, Khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức hội thảo khoa học “Đảm bảo chất lượng giáo dục – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo có sự tham gia của GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục; TS. Phan Hồng Dương, Phó Giám đốc Học viện; TS. Phùng Thị Lý Hằng, Phó Giám đốc Học viện; Ban lãnh đạo khoa – TS. Trịnh Văn Cường, Phó Trưởng khoa phụ trách và TS. Đặng Thị Minh Hiền, Phó trưởng khoa cùng toàn thể giảng viên, cán bộ Khoa Quản lý; đại diện lãnh đạo của các Khoa, Phòng chức năng của Học viện; và đặc biệt là sự góp mặt của các vị khách mời, các tác giả đã gửi bài tham luận cho hội thảo.
Hội thảo thu hút được sự tham gia đông đảo và trao đổi, chia sẻ tích cực của các đại biểu trong và ngoài Học viện. Dưới đây là một số hình ảnh:
GS.TS. Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện phát biểu chào mừng
TS. Trịnh Văn Cường phát biểu khai mạc hội thảo
Mở đầu hội thảo, TS. Đặng Thị Minh Hiền, Phó trưởng khoa Quản lý báo cáo tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ năm học 2021-2022 và phương hướng năm học 2022-2023.
TS. Đặng Thị Minh Hiền – Phó trưởng Khoa báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo đã điểm lại những kết quả, thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên khoa Quản lý; phân tích, nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế còn tồn tại trong năm học 2021-2022; từ đó xác định phương hướng phát triển hoạt động Khoa học và Công nghệ của khoa năm học 2022-2023, đảm bảo đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhà trường và cộng đồng xã hội.
TS. Nguyễn Diệu Cúc, trưởng Bộ môn Quản trị văn phòng báo cáo tham luận “Đảm bảo và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục phổ thông cung cấp chương trình giáo dục tích hợp Cambridge”. Báo cáo đã giới thiệu và so sánh tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường Cambridge với tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam, từ đó nhấn mạnh những hoạt động mà các cơ sở giáo dục phổ thông Việt Nam cung cấp chương trình giáo dục tích hợp Cambridge cần lưu ý để đảm bảo chất lượng giáo dục, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bởi cả cơ quan quản lý giáo dục của Việt Nam và tổ chức CAIE.
TS. Nguyễn Diệu Cúc báo cáo tham luận
TS. Lê Thị Quỳnh Nga – Trưởng phòng nghiên cứu giáo dục học, Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam báo cáo tham luận về ”Đảm bảo chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 – Thực trạng nguyên nhân và giải pháp”
TS. Lê Thị Quỳnh Nga, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Báo cáo tham luận đánh giá về hiệu quả của các hoạt động hướng nghiệp tại các trường THPT như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hoạt động giáo dục địa phương, hoạt động của tổ tư vấn hướng nghiệp (tư vấn tâm lý học đường), hoạt động hướng nghiệp thông qua chuyên gia (sinh hoạt hướng nghiệp)…, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp để cải thiện các vấn đề còn tồn tại.
Bên cạnh những báo cáo về đảm bảo chất lượng giáo dục đối với giáo dục phổ thông, Hội thảo cũng được lắng nghe 03 báo cáo về đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học.
TS. Đàm Sơn Toại – Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Kinh tế Quốc dân
Với tham luận “Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong từ góc nhìn kiểm định chất lượng giáo dục”, TS. Đàm Sơn Toại khái quát về các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động tại Việt Nam và các công cụ kiểm định chất lượng giáo dục; phân tích so sánh những tương đồng và khác biệt giữa các bộ công cụ kiểm định của Việt Nam và quốc tế ở các tham số cho công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục (7 tham số); trên cơ sở đó đặt ra những vấn đề mà các trường đại học Việt Nam cần lưu ý để đảm bảo thành công trong kiểm định chất lượng giáo dục (bởi cả các tổ chức kiểm định của Việt Nam và quốc tế), đồng thời không ngừng đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục. Báo cáo đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu tham dự.
TS. Phạm Ngọc Long – Trưởng bộ môn Khoa học quản lý Giáo dục
Báo cáo tham luận “Quản lý hoạt động đào tạo ở các trường đại học theo hướng đảm bảo chất lượng” của TS. Phạm Ngọc Long tập trung vào việc xác định khung lý luận và quy trình quản lý hoạt động đào tạo ở các trường đại học dựa trên cơ sở tiếp cận hoạt động đào tạo theo quá trình và hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; trên cơ sở đó, đề xuất thang đo để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá, đối sánh hoạt động đào tạo, làm cơ sở cho việc đổi mới hoạt động quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
ThS. Nguyễn Thanh Thủy, giảng viên Bộ môn Kinh tế học giáo dục
Tiếp cận vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục từ góc độ vi mô với nghiên cứu “ Các yếu tố cá nhân ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên – Nghiên cứu trường hợp sinh viên Học viện quản lý giáo dục”, ThS. Nguyễn Thanh Thuỷ đã chỉ ra có 2 yếu tố ảnh hưởng tới kết quả học tập của sinh viên Học viện, đó là “thói quen học tập” và “điểm xét tuyển đầu vào”. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị đối với cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên Học viện để cải thiện kết quả học tập, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
Phần trao đổi, thảo luận, cũng diễn ra hết sức sôi nổi trong buổi hội thảo với nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn có giá trị.
ThS Đặng Văn Hải chia sẻ một số khó khăn ở các trường phổ thông Nghệ An trong việc triển khai chương trình GDPT 2018 về sách giáo khoa, tài liệu; đội ngũ giáo viên, nhân viên; tài chính; cơ sở vật chất, thiết bị, hướng dẫn về hình thức tổ chức đối với các hoạt động trải nghiệm… Nhấn mạnh ngành giáo dục không được chủ động ra quyết định đối với hai nguồn lực quan trọng nhất là đội ngũ và tài chính sẽ ảnh hưởng tới việc đảm bảo chất lượng giáo dục như mong đợi của xã hội.
ThS. Đặng Văn Hải – Chủ tịch công đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An
Chia sẻ với những ý kiến của ThS. Đặng Văn Hải, TS. Nguyễn Hồng Thúy, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng đó là những khó khăn chung không chỉ riêng của Nghệ An. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra những thuận lợi của Quận Thanh Xuân khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, khẳng định những thuận lợi là cơ bản. Đối với những khó khăn đến từ đội ngũ giáo viên, nhân viên; sách giáo khoa, tài liệu;… bà đã chia sẻ một số biện pháp mà Quận Thanh Xuân đã thực hiện để hỗ trợ cho các nhà trường kịp thời bổ sung những thiếu hụt, khắc phục hạn chế để đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện tốt chương trình GDPT 2018, duy trì thành tích 8 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu thành phố Hà Nội về chất lượng giáo dục.
TS. Nguyễn Hồng Thuý – Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tiếp theo ý kiến của các đại biểu, TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, giảng viên khoa Quản lý đã nêu ý kiến trao đổi với các báo cáo viên và chia sẻ quan điểm cá nhân đối với một số vấn đề được nêu trong các tham luận.
TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh trao đổi với các báo cáo viên
Cuối buổi hội thảo, TS. Lê Thị Ngọc Thuý – Trưởng phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế và Tạp chí, Học viện Quản lý Giáo dục đánh giá cao về chất lượng chuyên môn của các báo cáo tham luận và ý nghĩa thực tiễn của các ý kiến trao đổi, chia sẻ tại hội thảo.
TS. Lê Thị Ngọc Thuý – Trưởng phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế và Tạp chí, Học viện Quản lý Giáo dục
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm
– Khoa Quản lý –