10 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII
Quyết định 2559/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo đó, Chương trình hành động đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên trong ngành Giáo dục; Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển; Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài;
Cùng với đó, Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho các đối tượng.
Trường đại học phải dành chỉ tiêu cho thí sinh không thể thi tốt nghiệp
Ngay sau kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, ghi nhận thêm hàng nghìn thí sinh khắp cả nước không thể dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường đại học, cao đẳng điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng không thi tốt nghiệp THPT, đồng thời cập nhật công khai dữ liệu này lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 15.100 thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do giãn cách vì dịch bệnh Covid-19.
Để bảo đảm quyền lợi và công bằng cho các thí sinh, căn cứ vào số liệu trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học, cao đẳng điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng không thi THPT; điều chỉnh, bổ sung phương thức tuyển sinh; đồng thời cập nhật lại dữ liệu đề án tuyển sinh vào Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT từ ngày 20-25/8 để phục vụ công tác hậu kiểm.
Tổng kết năm học 2020-2021 bậc Tiểu học và Trung học
Ngày 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD&ĐT, 63 điểm cầu tại Sở GD&ĐT và hơn 815 điểm cầu tại Phòng GD&ĐT và một số trường tiểu học.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi”.
Trong 2 ngày (12, 13/8), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học.
Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD&ĐT, 63 điểm cầu sở GD&ĐT, hơn 700 điểm cầu phòng GD&ĐT và khoảng 2.000 điểm cầu trường THPT. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm học vừa qua, kết quả giáo dục mũi nhọn của học sinh trung học cũng tăng đáng kể. Điều này thể hiện rõ nét qua kết quả học sinh tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế. Cụ thể, mùa Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba – giải chính thức của Hội thi và 2 dự án đoạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những cố gắng, kết quả mà giáo dục trung học đạt được trong năm học vừa qua. Dù là năm học nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ bản đã đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra, trong đó, có một số kết quả đáng khích lệ, như thành tích học sinh dự thi Olympic quốc tế, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công.
Bộ trưởng nhận định, ngành Giáo dục đang đứng trước 2 thách thức lớn, đó là thách thức trước yêu cầu phát triển, đổi mới và thách thức trong bối cảnh dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi hệ thống để thích ứng với tình hình dịch bệnh tăng sức chống chịu, hạn chế tổn thương trước dịch sẽ là tất yếu và không thể lảng tránh.
“Chúng ta cần xác định rõ ràng khó khăn thử thách để có nhận thức, tư tưởng, tầm nhìn và kế hoạch phù hợp. Đồng thời, vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ trước Nhà nước và nhân dân”, Bộ trưởng nêu rõ và cho biết, Bộ GDĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó và thích nghi với tình hình dịch bệnh; trong đó có ban hành chính sách, hướng dẫn, quy định để chuẩn bị và triển khai năm học mới.
Từ khung kế hoạch của Bộ, các tỉnh/thành phố cần ban hành kế hoạch năm học mới phù hợp với tình hình đặc thù tại của địa phương. Tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý, cho tới mỗi giáo viên. Cần linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, đảm bảo chất lượng đối với các yêu cầu cốt lõi. Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả. – Bộ trưởng nhấn mạnh.
– Nguồn: GD & TĐ –