Nhiều trường học ảo ra đời trong đại dịch

Theo báo giáo dục EdSurge (Mỹ), sau khoảng thời gian học trực tuyến do Covid-19, số lượng trường học ảo ngày càng tăng.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục cho biết, nhiều học sinh có xu hướng phát triển tốt trong môi trường ảo. Khi tham gia vào “cuộc thí điểm” học trực tuyến bất đắc dĩ do đại dịch, nhiều gia đình nhận ra con mình thích cách học này, từ đó, mong muốn có chương trình phù hợp hơn trong tương lai. Những học sinh này muốn học trực tuyến toàn thời gian, vô thời hạn.

Kali Klingler (16 tuổi, Mỹ) bắt đầu học từ xa vào mùa xuân năm 2020. Tuy nhiều bạn bè bị sốc trước thông tin này nhưng Kali thì cảm thấy nhẹ nhõm. Với tình trạng sức khỏe cá nhân, Kali thường phải nghỉ học 30 đến 50 ngày trong năm học và trượt một số môn. Khi phương pháp học tập trực tuyến kích hoạt, Kali không còn lo bị đánh dấu là đi trễ hoặc vắng mặt khi có vấn đề sức khỏe. Thay vào đó, kết quả học tập chỉ còn phụ thuộc vào thực tế cô đã hoàn thành nhiệm vị hay không. Kết quả, Kali đã luôn hoàn thành tốt bài tập.

“Ngay sau khi mọi thứ chuyển sang trực tuyến, tôi đã thực hành đủ mọi bài tập cho mỗi lớp học và nhận được điểm cao hơn”, nữ sinh nói.

Kali Klingler  bắt đầu học trực tuyến từ khi đại dịch bùng phát và không có ý định quay lại cách học truyền thống.

Kali Klingler bắt đầu học trực tuyến từ khi đại dịch bùng phát và không có ý định quay lại cách học truyền thống.

Với xu hướng này, hàng chục khu học chánh đã công bố kế hoạch thành lập “học viện ảo” (virtual academy) vào mùa thu này. Đó là những hệ thống trường học thuộc các quận tại Los Angeles, Houston hay Las Vegas. Học viện ảo dự kiến sẽ cung cấp chương trình học cho học sinh thích học ở nhà, theo tốc độ của riêng họ với cấu trúc chương trình độc lập hơn so với trải nghiệm trường học truyền thống cung cấp.

Trong 15 tháng qua, một số đặc điểm của nhóm học sinh thích học trực tuyến đã xuất hiện. Đó là những học sinh đang đăng ký theo lịch học linh hoạt, cho phép họ tiếp tục công việc để giúp đỡ gia đình trong thời gian đại dịch. Một số học sinh khác có vấn đề y tế như Kali cũng thích hợp với việc học trực tuyến hơn.

Một số nhóm khác như người hướng nội, hay theo đuổi lĩnh vực thể thao và diễn xuất cùng có nhu cầu học theo hình thức này.

Học sinh tại các nhóm này cho biết, họ làm việc tốt nhất vào ban đêm. Các em thích học trực tuyến hơn vì nó giúp kiểm soát sự lo lắng. Một số gia đình học sinh da màu cũng ủng hộ học trực tuyến vì cảm thấy hệ thống trường học truyền thống đã khiến con họ thất bại.

Nhiều học sinh thích cách học trực tuyến và muốn tiếp tục học tại các lớp ảo ngay cả sau đại dịch. Ảnh: KATV.

Nhiều học sinh thích cách học trực tuyến và muốn tiếp tục học tại các lớp ảo ngay cả sau đại dịch. Ảnh: KATV.

Ammon Wiemers, Hiệu trưởng trường Trung học Kings Peak, một phần của học viện ảo mới tại Học khu Jordan, cho biết trường vẫn đang trong quá trình xác định nhóm học sinh phù hợp với học trực tuyến. Nhìn chung, ông nhận định những học sinh có kỷ luật, có thể học và làm việc độc lập, quản lý thời gian tốt có dấu hiệu phù hợp hơn.

Tại Học khu Jordan, một số học sinh thu được kết quả tốt nhất từ việc học ảo là những người học tiếng Anh. Một học sinh nhập cư từ Colombia đã vật lộn để theo kịp các lớp học vì giáo viên nói và chuyển nội dung quá nhanh và trượt một số khóa học của mình.

Với học trực tuyến, học sinh có thể dịch phần hướng dẫn bài tập trong Canvas, hệ thống quản lý học tập của học khu hoặc tạm dừng và tua lại các bài giảng video nếu cần. Kể từ khi chuyển sang học trực tuyến vào năm ngoái, cậu học sinh nhập cư đã cải thiện điểm số của mình, hoàn thành tất cả các lớp học, thậm chí đạt xuất sắc ở một số lớp.

Tuy nhiên, học trực tuyến cũng có nhược điểm. Một trong số đó là thiếu kết nối xã hội. Kali, người thừa nhận không cần kết nối xã hội nhiều, vẫn thấy nhớ các học sinh khác trong lớp và giáo viên của mình.

Ông Wiemers cũng khẳng định trường học ảo không cung cấp đủ trải nghiệm xã hội như học trực tiếp. Tuy vậy ông cũng cho rằng đối với nhiều trẻ em, đó không phải là vấn đề. “Các em có thể có bạn bè từ nhà thờ, trong khu phố, hoặc trong các giải đấu thể thao giải trí” – ông nói.

Theo ông, những học sinh đăng ký vào trường học ảo nhưng không có các cộng đồng như vậy là nhóm học sinh cần được quan tâm.

Học sinh học trực tuyến vẫn cần có các cộng đồng xã hội để phát triển bản thân. Ảnh: iStock.

Học sinh học trực tuyến vẫn cần có các cộng đồng xã hội để phát triển bản thân. Ảnh: iStock.

Mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên tại các lớp học ảo sẽ là một yếu tố quyết định quan trọng đến việc các chương trình học trực tuyến có thành công hay không. Vì thế, các trường sẽ cần có kế hoạch tuyển dụng phù hợp. Walsh, tại Jefferson County Public Schools, cho biết đang tìm kiếm những người có khả năng cộng tác và xây dựng mối quan hệ.

Cả Walsh và Wiemers đều bác bỏ ý kiến mối quan hệ học sinh – giáo viên sẽ suy giảm trong quá trình học tập từ xa. Ngược lại, họ tin rằng những mối quan hệ như vậy có thể bền chặt hơn trên mạng so với trực tiếp. “Một giáo viên tuyệt vời luôn là một giáo viên tuyệt vời, dù trực tiếp hay từ xa” – Walsh chia sẻ.

Ông nói: “Mọi người đều dự đoán sẽ có sự mất kết nối lớn. Thực tế không phải vậy. Dữ liệu và thông tin của chúng tôi cho thấy phụ huynh và học sinh cảm thấy gần gũi với giáo viên hơn bao giờ hết. Chúng tôi rất vui mừng được xây dựng học viện ảo dựa trên điều đó”.

Tuy nhiên, phương pháp này còn có một vấn đề khác là không phải gia đình nào cũng có khả năng truy cập lớp học trực tuyến. Trong quá trình vận hành, có những bất bình đẳng phụ thuộc khả năng truy cập internet chất lượng cao và chất lượng của các thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, thành công của học sinh còn có thể phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của gia đình. Điều này đặc biệt đúng với nhóm trẻ nhỏ hơn, những người có thể cần sự giám sát của người lớn khi học trực tuyến. Wiemers cho biết học sinh được cha mẹ hỗ trợ sẽ làm tốt hơn những học sinh không có.

Nguồn: VNExpress –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *